THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT (phần 3)
Tiếp nối phần 2 của các bước thụ tinh trong ống nghiệm, bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc gửi đến bước thứ 4 – cũng là phần cuối của quá trình này:

4: Chuyển phôi
Nên làm gì trước khi chuyển phôi
- Chuyển phôi là một thủ thuật khá đơn giản nhưng lại là bước quan trọng cuối cùng trong toàn bộ quá trình điều trị IVF
- Chuyển phôi không cần gây mê như chọc trứng, thời gian thực hiện chuyển phôi khoảng 5 - 10 phút. Tuy nhiên, có thể bạn được yêu cầu đến sớm hơn 45 đến 60 phút để chuẩn bị.
- Cần nhịn tiểu khoảng 2 giờ trước cho đến khi siêu âm thấy được tử cung: chuyển phôi thường được hướng dẫn dưới siêu âm ngã bụng, nên bạn sẽ cần có nhiều nước tiểu trong bọng đái để BS có thể nhìn thấy được tử cung bên dưới.
- Tuân thủ uống thuốc theo toa bác sĩ: phôi chỉ bám vào buồng tử cung nếu được đặt vào tử cung đúng giai đoạn cửa sổ làm tổ. Thông thường nếu phôi của bạn là phôi ngày 3 hay 5, BS sẽ canh thuốc sau 3 hay 5 ngày đặt Progesterone để đặt phôi (Lẽ đương nhiên là có rất nhiều phác đồ chuyển phôi khác nhau: chu kỳ tự nhiên hay nhân tạo, BS sẽ lựa chọn phác đồ tốt phù hợp cho bạn)
Nên làm gì sau khi chuyển phôi
- Không nên quá lo lắng về việc nội mạc có đẹp hay không đẹp: độ dày nội mạc tử cung vào ngày chuyển phôi khoảng từ 8 - 12 mm, không phải cứ càng dày là càng tốt. Hình ảnh nội mạc trên siêu âm không có vai trò trong tiên lượng khả năng có thai.
- Tuỳ điều kiện của mỗi người, sẽ có chế độ nghỉ ngơi phù hợp nhất sao cho thoải mái tâm lý và không ảnh hưởng cuộc sống, công việc hàng ngày. Bed rest (nằm nghỉ) lại sau chuyển phôi: hiện tại chưa được chứng minh làm tăng khả năng có thai.
- Khuyến khích vận động, sinh hoạt, làm việc bình thường: đi máy bay vẫn ok
- Ăn uống: một chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng dinh dưỡng, nhiều rau xanh. Tránh ăn những món ăn tái, không hợp an toàn vệ sinh thực phẩm gây tiêu chảy
- Thử thai: nên xét nghiệm máu cho chính xác. Que thử nhanh nhúng nước tiểu đôi khi cho kết quả dương tính, âm tính giả
- Duy trì thuốc hỗ trợ cho đến khi có kết quả máu xác định là bạn có thai hay không có thai, cho dù bạn có ra ít máu âm đạo.
- Nếu bạn có thai, sẽ tiếp tục thuốc hỗ trợ theo chỉ định Bác sĩ.
Nguồn: FB bác sĩ Liên Anh
Trưởng khoa lâm sàng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản
Bệnh viện Quốc tế HẠNH PHÚC