Tin tức truyền thông

An toàn vệ sinh thực phẩm: Tầm quan trọng và cách phòng ngừa

05/09/2024

An toàn vệ sinh thực phẩm: Tầm quan trọng và cách phòng ngừa
An toàn vệ sinh thực phẩm: Tầm quan trọng và cách phòng ngừa

Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/5/2024, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Mặc dù số vụ ngộ độc đã giảm so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 ghi nhận 40 vụ), số người mắc phải lại tăng hơn 1.000 người, với nhiều vụ có quy mô lớn. Điều này cho thấy việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn có tác động lâu dài đối với toàn xã hội.

Ngộ độc thực phẩm, còn gọi là ngộ độc thức ăn hay trúng thực, xảy ra khi chúng ta ăn hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hoặc đã bị biến chất, ôi thiu. Các loại thực phẩm có chứa chất bảo quản, chất phụ gia không an toàn cũng có thể gây ngộ độc. Đây là một tình trạng nguy hiểm, nhưng trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này có thể được cải thiện sau vài ngày điều trị nếu được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm: tác nhân gây ngộ độc: độc tố tự nhiên, vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể và giải phóng độc tố. Dấu hiệu ngộ độc thường sẽ xuất hiện sau một vài giờ hoặc vài ngày kể từ khi ăn hoặc uống thực phẩm nhiễm độc, thường có những biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, nôn nhiều lần, tiêu chảy kèm theo sốt, khô môi, khát nước, thở nhanh, mệt lả.

Những đối tượng nguy cơ dễ bị ngộ độc thực phẩm bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi: do chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện nên dễ mắc phải ngộ độc thực phẩm. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ càng sớm càng tốt. Việc kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Người già: sự lão hóa của tuổi già làm cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, không thể chống lại vi khuẩn gây hại.
  • Phụ nữ mang thai: hệ tuần hoàn và chuyển hóa bị thay đổi khiến dễ bị ngộ độc thực phẩm.
  • Những người có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
  • Những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh gan, HIV/AIDS.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm:

  • Quá trình chăn nuôi, gieo trồng, sản xuất: động vật bị bệnh, sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học, thuốc tăng trưởng, kháng sinh.
  • Quá trình chế biến không đúng: giết mổ, phụ gia không đúng quy định.
  • Quá trình bảo quản và sử dụng thực phẩm không đúng cách: Bảo quản không đúng nhiệt độ, sử dụng dụng cụ chứa đựng không vệ sinh, dẫn đến ô nhiễm chéo.
  • Sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
  • Quy trình sản xuất và chế biến thức ăn đường phố, thức ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh.
  • Suất ăn công nghiệp không được kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Người trực tiếp chế biến thực phẩm thiếu kiến thức thực hành về ATVSTP.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, phụ huynh cần lưu ý 10 nguyên tắc vàng của WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm:

  • Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn. Cần lựa mua những thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, không bị kém chất lượng, không hết hạn sử dụng, không có xuất xứ rõ ràng.
  • Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70° C.
  • Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
  • Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chính. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60° C hoặc lạnh dưới 10° C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
  • Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kỹ lại.
  • Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống, với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chính có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
  • Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
  • Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
  • Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn… Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
  • Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Chế độ dinh dưỡng của trẻ ngộ độc thực phẩm cần lưu ý:

  • Cho trẻ uống nhiều nước. Trẻ em có thể bị mất nước nhanh hơn người lớn vì chúng nhỏ hơn.
  • Tránh ăn trong vài giờ đầu tiên cho đến khi dạ dày ổn định trở lại.
  • Ăn khi cảm thấy sẵn sàng, hãy ăn chậm – bắt đầu với một lượng nhỏ.
  • Chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày, không ép trẻ ăn quá nhiều trong một bữa.
  • Lựa chọn các món ăn loãng, mềm, dễ tiêu hóa như cháo, xúp, canh vừa bổ sung chất dinh dưỡng, lại bổ sung được nước và điện giải cho trẻ.
  • Tăng cường các loại rau xanh, sữa chua, trái cây, nước ép trái cây có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Ưu tiên lựa chọn hoa quả làm xoa dịu dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn, thuyên giảm những triệu chứng ngộ độc thực phẩm như táo hay chuối.
  • Sử dụng gừng, thái lát mỏng, ngâm với mật ong rồi cho trẻ nhỏ ngậm nuốt giúp giảm buồn nôn.
  • Chuyển từ từ các món ăn dạng lỏng sang dạng đặc hơn như cơm, bánh và một số món ăn khác khi tình trạng sức khỏe của trẻ có dấu hiệu cải thiện tốt, trở lại bình thường.
  • Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm gây “kích thích” đường ruột, khó tiêu, nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán.
  • Hạn chế cho trẻ dùng sữa và các chế phẩm từ sữa do lúc này trẻ có thể gặp khó khăn khi dung nạp đường sữa (lactose).
  • Có thể cho trẻ dùng các dung dịch bù nước, bù điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, tuyệt đối không cho trẻ uống nước đá, nước ngọt hay các loại nước ngọt có ga trong giai đoạn này vì chúng không chỉ không giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ mà còn gây kích thích ruột.
  • Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm khiến trẻ mệt lả, thiếu sức sống. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, hạn chế hoạt động mạnh. Tốt nhất, trẻ nên được ngủ sớm, ngủ đủ giấc.

Tài liệu tham khảo:

  1. Carol DerSarkissian, MD. Food poisoning in children: What to know. (2017, January 31). WebMD. https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/food-poisoning-in-children-what-to-know
  2. WebMD, Food Poisoning in Children: What to Know, 2022. https://www.webmd.com/food-recipes/food-poisoning/food-poisoning-in-children-what-to-know
  3. Tạp chí điện tử lao động và công đoàn, Một số vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn từ đầu năm 2024, https://cuocsongantoan.laodongcongdoan.vn/mot-so-vu-ngo-doc-thuc-pham-quy-mo-lon-tu-dau-nam-2024-104854.html
  4. Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng của WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm 2014.

———–

BỆNH VIỆN QUỐC TẾ HẠNH PHÚC

🏥18 Đại Lộ Bình Dương, Thành phố Thuận An, Tỉnh Bình Dương

PHÒNG KHÁM QUỐC TẾ HẠNH PHÚC – ESTELLA

🏥Lầu 5 – Estella Place, 88 Song Hành, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Fanpage: Hanh Phuc International Hospital